Di tích NHÀ THỜ TIỀN HIỀN MỸ XUYÊN TÂY

  • PDF.InEmail

 

Trong quá trình mở cõi của dân tộc về phương Nam, Quảng Nam là vùng đất phên dậu của xứ Đàng Trong. Cư dân Quảng Nam phần lớn có nguồn gốc từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An và một số nhỏ từ Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên vào đây theo những đợt di dân khác nhau mà rầm rộ và đông đảo nhất là vào đầu thế kỷ XV (1402) đời Hồ Quý Ly; năm 1471 đời Lê Thánh Tông và sau đó là Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558). Đây chính là yếu tố quan trọng để vùng đất này nhanh chóng trở thành nơi cư trú định canh ổn định của những người dân đến từ phía Bắc nước ta.

Theo thời gian, ngày càng có nhiều lớp thế hệ cư dân đến lập nghiệp sinh sống ở những vùng đất trù phú, có điều kiện canh tác. Cả một vùng đất phía Bắc Quảng Nam được khai phá dần dần, trên đó hình thành những làng xã mới với dân số ngày càng đông, trong số đó có làng Mỹ Xuyên Tây, huyện Duy Xuyên. Nhờ có ý chí và nghị lực, vượt qua biết bao sóng gió, cộng đồng những cư dân ở đây đã cố kết lại để khai hoang lập nghiệp. Tinh thần ấy, ý chí ấy đã trở thành truyền thống yêu quê hương, làng xóm, trở thành truyền thống kiên cường bám đất giữ làng của nhân dân làng Mỹ Xuyên Tây, huyện Duy Xuyên.

Về định danh tên làng Mỹ Xuyên Tây, trong sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An viết năm 1553 có ghi chép về tên làng Mỹ Xuyên Tây, huyện Hy Giang. Ngoài ra, trong Gia phả hậu duệ tộc Mạc ở Trà Kiệu ghi chép về một sự kiện diễn ra năm 1642 có ghi tên định danh làng Mỹ Xuyên Tây, như vậy có thể nói rằng từ năm1553 đến trước năm 1642, do điều kiện tự nhiên và nguồn lực kinh tế xã hội dồi dào, nguồn nhân lực mạnh, dân số đông, ruộng đất bạt ngàn... làng Mỹ Xuyên từ khi đầu thành lập đã tách thành hai làng Mỹ Xuyên Đông và làng Mỹ Xuyên Tây, trong một số văn bản của triều đình còn ghi khác là Giáp Đông và Giáp Tây làng Mỹ Xuyên. Mặc dù chia thành hai làng với xã hiệu mới, hệ thống bộ máy chính quyền làng xã mới, nhưng hai làng vẫn giữ được truyền thống từ khởi đầu vị tiền hiền là Lê Quý Công đến khai hoang lập làng xã. Khi chia tách, làng Mỹ Xuyên Đông giữ lại thiết chế văn hóa làng xã là Đình làng, và làng Mỹ Xuyên Tây thì giữ lại thiết chế tín ngưỡng là Tiền hiền Mỹ Xuyên Tây Tự (Nhà thờ tiền hiền làng Mỹ Xuyên Tây) cho đến này nay.

Năm 1471, Lê Thánh Tông đem quân chinh phạt Chiêm Thành thắng lợi, lập ra Quảng Nam thừa tuyên đạo, người Việt tiếp tục đến sinh sống, khai phá, lập làng trên vùng đất phì nhiêu này. Tiếp nối về sau, dưới thời Lê và các chúa Nguyễn vẫn còn những cuộc di cư của người Việt, nhất là vào thời Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558). Năm 1602, Nguyễn Hoàng cho thành lập dinh Quảng Nam, làng Mỹ Xuyên Tây thuộc huyện Hy Giang, phủ Thăng Hoa; đến năm 1604, Nguyễn Hoàng đổi huyện Hy Giang thành huyện Duy Xuyên. Dưới thời triều Nguyễn, năm 1836, Minh Mạng cho cắt 4 tổng phía Nam của huyện Duy Xuyên để thành lập huyện Quế Sơn, gồm có 5 tổng: Xuân Phú, Xuân Mỹ, An Mỹ, Thuận An, Trung Lộc; làng Mỹ Xuyên Tây ở lại, thuộc huyện Duy Xuyên. 

Sau khi thành lập, do có kiều kiện về kinh tế và nhân lực, cộng đồng cư dân làng Mỹ Xuyên Tây đã có đóng góp tích cực trong việc xây dựng mối quan hệ gắn bó với các làng xã cận cư thuộc Duy Xuyên, góp phần làm cho cả vùng Duy Xuyên trở thành một vùng nổi tiếng trù phú, thịnh vượng ở Đàng Trong. Vào năm Nhâm Ngọ - Dương Hòa 8 (1642), Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan cho trùng tu chùa Bửu Châu (Trà Kiệu) vốn là nơi trước đây Mạc Cảnh Huống đã lập ra để tu hành trong những năm về già. Nhờ có công giúp mở mang xứ Đàng Trong nên Mạc Cảnh Huống được chúa Nguyễn ban quốc tính, đổi họ Mạc thành họ Nguyễn Phước. Trong lần trùng tu này, chúa Nguyễn Phước Lan đã cho huy động 3 cơ thủy quân thuộc dinh Quảng Nam cùng với thợ giỏi ở 7 xã lân cận đến giúp trùng tu, gồm: Trà Kiệu xã, Phố Hoa châu các thôn giáp, Thi Lai châu các thôn, Bà Mã châu các thôn, Hàm Rồng xã, Mỹ Xuyên Tây xã, Chiêm Sơn Đông xã.

Về thành phần các tộc họ trong làng: Hầu hết các bô lão, nhân sĩ thường nói rằng có 13 tộc Hậu hiền giúp Tiền hiền Lê Quý Công lập làng Mỹ Xuyên từ thuở ban đầu, gọi là Hậu hiền tiền thứ, nhưng tên các tộc Hậu hiền tiền thứ thì mỗi cụ kể mỗi khác. Theo thư tịch “Duy Tân ngũ niên tôn đồ phụ lục” viết dưới thời vua Duy Tân, các tộc Hậu hiền tiền thứ của làng Mỹ Xuyên gồm tộc Nguyễn, Đặng, Cao, Trương, Trần, Trình, Phạm, Võ. Tuy nhiên từ lâu, các tộc Cao, Trương, Trình không còn ở địa phương nữa. 

Thủy tổ các tộc đến sau gọi là Hậu hiền hậu thứ. Ngày xưa, các lưu dân thường sống thành tập hợp những người trong cùng một họ tộc để dễ bề giúp đỡ, cưu mang nhau, nên ngay từ cuối thế kỷ XVI đã có hiện tượng “trùng họ tộc” trong làng Mỹ Xuyên Tây, ví dụ có nhiều nhánh tộc Nguyễn hoặc nhiều nhánh tộc Trần độc lập cùng ở trong làng, không có quan hệ huyết thống với nhau, nên bắt đầu phân ra các tên tộc có 2 tiếng (tiếng thứ 2 không phải chữ lót mà là một bộ phận của tên tộc có 2 tiếng) như tộc Nguyễn Văn, Nguyễn Hữu, Nguyễn Thế, Trần Văn, Trần Phước, Trần Viết, Huỳnh Bá, Huỳnh Công, Văn Bá,... tạo nên các tộc họ gắn với tên làng, như tộc Nguyễn Văn Xuyên Tây, tộc Trần Văn Xuyên Tây,... để phân biệt với các tộc trùng tên ở làng khác.

Gia phả chữ Hán của các tộc có từ 16 đời trở lên ở Mỹ Xuyên Tây, ở các đời đầu cho thấy có các bà dâu vốn là người ở ngay trong làng (nội xã nhân) là người tộc Hồ, Huỳnh, Lê, Phan, Phạm,… ở ngay trong làng Mỹ Xuyên Tây từ đầu thế kỷ XVII.

Từ xa xưa, các vị tiền hiền làng xã đã được thờ cúng. Nhưng một khi các bậc Tiền hiền, Khai canh khai khẩn chính thức được nhà nước sắc phong thì có thể coi đó là dấu ấn quan trọng khẳng định kết quả của cả một quá trình cụ thể hoá, lịch sử hóa các nhân vật lịch sử trở thành nhân thần, trong vai trò là thần linh được làng xã thờ cúng, nhà nước công nhận qua hình thức sắc phong, như tộc Phạm Văn (làng An Lễ, Duy Xuyên), làng An Lâm (Duy Xuyên) có đình Lục thôn La Tháp, vị tiền hiền họ Trương từ Thanh Hóa đem vợ con vào làng này khai lập xã hiệu La Tháp châu, trước gọi là La Tháp Chàm An Lâm, về sau mới đổi gọi thành An Lâm; làng Gia Cốc (Duy Xuyên) có 2 tộc Tiền hiền (Trần, Phạm) và 3 tộc Hậu hiền (Hồ, Phan Trung, Phan Văn), với lệ định rõ ràng những lúc tế lễ có dâng cúng “con sinh” (sanh tư) thì có thịt kỉnh biếu các dòng họ Tiền Hiền và Hậu hiền để ghi nhớ công đức. 

Ở vùng đất Duy Xuyên xưa, Trà Kiệu là một trong ba làng lớn nhất Quảng Nam (nhất Trà Kiệu, nhì La Qua, thứ ba Tú Tràng) nên về sau phát triển thành 5 xã mới (Ngũ xã) là Trà Kiệu Trung, Trà Kiệu Đông, Trà Kiệu Tây, Trà Kiệu Nam, Trà Kiệu Thượng. Còn đối với Mỹ Xuyên, tuy vị thế, diện tích nông thổ và nguồn lực không bằng Trà Kiệu nhưng cũng thuộc loại thứ hai, cũng được chia thành hai làng Đông và Tây, tuy nhiên vì truyền thống vẫn giữ lại tên làng cũ là Mỹ Xuyên.

 Về lịch sử xây dựng, Nhà thờ Tiền hiền Mỹ Xuyên Tây (Tiền hiền Mỹ Xuyên Tự) tọa lạc tại Cồn Leo ở ranh giới giữa xóm Mỹ Thành và xóm Mỹ Đô, nay thuộc khối phố Xuyên Tây của thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên. Nhà thờ được xây dựng cùng thời với chùa Bửu Châu (Trà Kiệu) và chùa Long Hưng (Thanh Chiêm) dưới thời các Chúa Nguyễn (cuối thế kỷ XVII). Đây là thời kỳ thịnh vượng nhất của xứ Đàng Trong, cụ thể vào khoảng năm Chính Hòa (1680-1705), do vậy, Chúa Nguyễn cho phép cộng đồng nhân dân trong các xã bắt đầu được lập đình, nhà thờ phục vụ việc thờ cúng. Nhà thờ Tiền hiền Mỹ Xuyên Tây được xây dựng đầu tiên trong thời kỳ này. Tuy nhiên đến giai đoạn binh biến thời Tây Sơn, các thiết chế tín ngưỡng của người Việt ở Duy Xuyên cũng cùng chung số phận như: chùa quan Bửu Châu cùng từ đường Đức bà Mạc Thị Giai và rất đình chùa trong huyện đều bị hỏa hoạn. Bài vị của vị tiền hiền cùng điển chế thờ tự cũng đều bị hỏa hoạn thiêu cháy. 

Mãi đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824), cùng thời điểm dời chùa quan Bảo Châu đến chùa Vĩnh An, cộng đồng nhân dân trong xã kiến tạo riêng một từ đường mới và thiết đặt ruộng đất để thờ phụng các bậc tiền hiền, lập bài vị Tiền hiền đề tên là “Khai cơ”. Theo tư liệu điền dã, vào thời điểm đó, ruộng đất công tư của làng Mỹ Xuyên Tây hơn 750 mẫu, nhân đinh nội ngoại trong điền tịch là 940 người. Vì vậy, Nhà thờ tiền hiền Mỹ Xuyên lúc này có quy mô lớn ở Duy Xuyên, với 40 viên đá táng (còn gọi là Đài đá) còn đến ngày nay trong vườn Nhà thờ. Một thời gian sau, trong làng có vị hào phú, góp tiền xây dựng bên cạnh Nhà thờ ngôi nhà Hội hương để dân làng hội họp, trưng bày 2 tấm bia cổ và là nơi chuẩn bị vật phẩm cúng kính tiền hiền.

Năm 1947, ngôi đình và nhà Đông Trù được dân làng tháo dỡ để thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”. Hòa bình lập lại, năm 1957, cộng đồng dân làng góp tiền mua một ngôi nhà rường cổ ba gian hai chái ở làng Mã Châu về dựng làm Nhà thờ (Dân gian thường gọi là Đình). Thời kỳ chiến tranh lan rộng ở miền Nam, năm 1969, vùng Duy Xuyên là vùng nông thôn, chiến tranh lại càng ác liệt, Mỹ cày xới liên tục, nên ngôi đình lại bị tàn phá. 

Sau ngày thống nhất đất nước (1975), do hoàn cảnh dân trong làng còn rất khó khăn và trong thời kỳ chủ trương “bài phong đả thực” chống văn hóa cũ, dân làng không có điều kiện xây dựng lại Nhà thờ tiền hiền. Đến năm 2002, cộng đồng nhân dân làng Mỹ Xuyên Tây đã quyên góp xây dựng lại ngôi đình hiện nay trên nền cũ thời xưa. 

Dù ảnh hưởng bởi chiến tranh, nhưng cộng đồng cư dân Đình Tiền hiền Mỹ Xuyên Tây vẫn duy trì được các lễ hội truyền thống từ xưa đến nay rất quy củ, nền nếp, được coi là mẫu mực giữa các làng xã tại địa phương. Trong thời bình, làng xóm an hòa, người người đồng tâm hiệp lực, hằng năm tổ chức 3 lần Tế Lễ lớn tại đình, gồm:

-  Tết Nguyên Đán: nghinh Thần 3 ngày Tết;

- Lễ tế Thanh Minh: vào đúng ngày tiết Thanh Minh hằng năm (có thể chuyển sang ngày gần kề nếu trùng ngày Rằm, mùng Một âm lịch)

- Giỗ Tiền hiền: đúng vào ngày mùng Một tháng Mười Một âm lịch hằng năm.

-  Hội làng: được tổ chức 5 năm một lần vào ngày Thanh Minh, có cả phần Lễ và Hội. Hội làng gần đây được tổ chức vào năm 2014, nhân Hương ước của làng được UBND huyện Duy Xuyên phê chuẩn.

 Văn tế cổ truyền: Đình Mỹ Xuyên Tây đang lưu giữ và truyền đọc 2 bài Văn tế do 2 Cử nhân khoa bảng nguyên quán ở làng Mỹ Xuyên là Cử nhân Văn Phú Trừng và Cử nhân Trần Dĩnh viết từ hơn 100 năm trước. 

Để nhớ công đức tiền nhân, tương truyền Nhà thờ Tiền hiền Mỹ Xuyên Tây được cộng đồng nhân dân trong xã góp tiền, góp sức xây dựng cùng thời với chùa Bửu Châu (Trà Kiệu) và chùa Long Hưng (Thanh Chiêm) dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (cuối thế kỷ XVI). Vào thời kỳ đầu do có quy mô nhỏ còn hoang sơ nên gọi là Miếu thờ Tiền hiền. Sau này, dưới thời chiến tranh Trịnh - Nguyễn, rồi chiến tranh Tây Sơn - Nguyễn, ngôi Miếu thờ tiền hiền bị hủy hoại hoàn toàn. Đến thời Minh Mạng, khi có đủ điều kiện, nhân dân trong làng xây dựng lại Miếu thờ với quy mô to lớn hơn trước nên dân gian thường gọi là Đình tiền hiền, xây dựng theo kiểu ba gian hai chái, theo kiểu chồng rường giả thủ với cột kèo được chạm khắc công phu, bên ngoài trang trí cổ tân hội họa tinh xảo.

Năm 1947, ngôi Đình thờ và nhà Đông Trù được tháo dỡ để thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”. Năm 1957, dân làng mua một ngôi nhà rường cổ ba gian hai chái ở làng Mã Châu về dựng làm Đình thờ. Năm 1969, Mỹ cày xới nên ngôi đình lại bị tàn phá. Năm 2002, nhằm tri ân công đức của tiền nhân, dân làng đã dựng lại ngôi Đình/Nhà thờ tiền hiền như hiện nay. 

Nhà thờ tiền hiền xây về hướng nam, phía trước là cánh đồng rộng. Cổng Nhà thờ xây theo mô hình tam quan, trên cổng có dòng chữ Hán 西 (Tiền hiền Mỹ Xuyên Tây từ môn). Dịch nghĩa: Cổng nhà thờ tiền hiền Mỹ Xuyên Tây”. Bờ trước sân Nhà thờ có bức bình phong, mặt trước đắp vẽ Long Mã phù đồ để cản tà khí, mặt sau có chạm hình cá hóa rồng.

Nhà thờ Tiền hiền Mỹ Xuyên Tây là di tích tín ngưỡng của dân tộc Việt. Đây là nơi thờ tự Tiền hiền Chánh Đề đốc Lê Quý Công, người đã có công lao to lớn trong công cuộc bình Chiêm tái chiếm vùng đất Chiêm Động và Cổ Lũy vào giai đoạn đầu của thời Lê sơ (1428-1459), và còn có công quy mộ các thành phần lưu dân từ miền Bắc vào vùng bắc Quảng Nam lập làng xã và giữ vai trò quyết định trong việc trưng công toàn bộ điền thổ để dân làng Mỹ Xuyên được hưởng lộc nước” suốt hơn 500 năm qua. Nhà thờ Tiền hiền Mỹ Xuyên Tây gắn bó mật thiết với công lao của Tiền hiền Lê Quý Công. 

Giá trị nổi bật của di tích Nhà thờ Tiền hiền Mỹ Xuyên Tây gắn kết và không thể tách rời với di tích mộ Tiền hiền Lê Quý Công và Di tích Đình làng Mỹ Xuyên, nơi lưu giữ 32 đạo sắc phong do các vua triều Nguyễn phong tặng cho các vị thiên thần làng xã. Trong khi Mỹ Xuyên Đông lưu giữ Đình làng Mỹ Xuyên thì Mỹ Xuyên Tây lưu giữ Nhà thờ/Đình thờ/Miếu thờ Tiền hiền của làng Mỹ Xuyên.

Hiện nay, tại Nhà thờ Tiền hiền Mỹ Xuyên Tây đã tìm lại tấm bia cổ được tạo dựng vào năm Kỷ Tỵ 1869 dưới thời vua Tự Đức. Thông qua hai câu thơ chủ đề của văn bia, tiền nhân truyền lại cho hậu thế đạo lý tri ân Tiền hiền, Hậu hiền và Tiền bối của bao lớp người xưa ở làng, nên Tấm bia này là di sản vật thể quý giá về mặt lịch sử, văn hóa của dân làng Mỹ Xuyên Tây. Văn bia ghi chép như sau

Nguyên văn:

花下唯吟詩飯墳前人恩祭作桑滄之辰荒落之何依本社旣從訸列爲等憶念嚴慈地何辰矣阮氏阮氏一百貫錢年脈息開式平二老癸亥興嗣德二十二年己巳四月吉日右居阮氏阮氏仝奉供立石

Phiên âm: Đường diệp hoa hạ tổng duy ngâm. Thi hiệp phạn phần Tiền nhân ân. Tế tắc tác tang thương chi thần cục, tề hoang lạc chi hà y? Bổn xã kí tòng hòa liệt vi thực tiến chi. Quả đẵng ức niệm nghiêm từ địa hà thần hĩ Nguyễn Thị, Nguyễn Thị nhất bách quan tiền niên mạch tức khai thức bình nhị lão Quý Hợi hưng vượng. Tự Đức nhị thập nhị niên Kỷ Tỵ tứ nguyệt cát nhật. Hữu quả cư Nguyễn Thị Nguyễn Thị đồng phụng cung lập thạch.

          Tạm dịch:

 Hai câu thơ mở đầu văn bia nói lên chủ đề chính là ca ngợi cảnh sắc tươi đẹp của làng và tri ân ngài Tiền hiền đã hào hiệp trưng công toàn bộ điền thổ, ban cho dân làng ruộng vườn để được no ấm lúc sống và trạch trí nhiều nơi trong làng để an táng người chết (Cồn Đô, Cồn Leo, Cồn Khế, Cồn Lộ, Cồn Trên, Gò Khoai,…) nên từ xưa đến năm 1975 dân làng khỏi mua huyệt mả ở đất tư; còn từ sau năm 1975 có Nghĩa địa Gò Khoai nên dân làng cũng khỏi mua huyệt mã ở núi Nỗng Bồ cách trở. Nhờ sung công toàn bộ điền thổ nên Ngài Tiền hiền đã ban cho dân làng 2 thứ quý giá nhất là đất cho cuộc sống và đất lúc từ biệt cõi trần nên ai cũng biết ơn Ngài qua từ “Tiền nhân ân” ở câu thơ chủ đề mở đầu văn bia. 

 Nhà thờ Tiền hiền Mỹ Xuyên Tây thờ ngài Tiền hiền ở hương án chính giữa, các vị Hậu hiền và Tiền bối ở 2 hương án Tả Hữu. Như vậy, người xưa đã tôn vinh ngài Tiền hiền là một trong các vị Phúc Thần, là Thành hoàng bổn cảnh che chở, bảo vệ, phù trợ cho nhân dân trong làng. Từ “Tiền nhân” trong Văn bia còn bao hàm ghi công đức của các vị Hậu hiền và Tiền bối qua nhiều thế hệ đã góp phần xây dựng làm nên sự trù phú của làng.

Nội dung Tấm bia cổ cùng hệ thống câu đối, hoành phi ở đình Mỹ Xuyên Tây và ở miếu Thần Nông có niên đại khác nhau, do nhiều nguồn cung tiến nhưng đều mang ý nghĩa nhắc nhở cháu con uống nước nhớ nguồn, biết ơn tiên tổ, sống có đạo lý, luôn phấn đấu vươn lên để đạt chuẩn chân, thiện, mỹ. Mặt khác, có một số câu đối miêu tả cảnh sắc non nước, vẻ đẹp quê hương và con người luôn khao khát mong muốn được sống trong cảnh thanh bình, ấm no, hạnh phúc. Đây là nguồn tư liệu vô cùng quý giá góp phần nghiên cứu về lịch sử, về văn hóa, về con người ở Mỹ Xuyên Tây nói riêng, Duy Xuyên nói chung. 

Nhà thờ Tiền hiền Mỹ Xuyên Tây là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp xứ Quảng. Di tích thể hiện nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và sự cố kết của cộng đồng làng. Đặc biệt, làng Mỹ Xuyên Đông và Mỹ Xuyên do điều kiện lịch sử đã chia tách thành hai làng từ xa xưa, nhưng trãi qua mấy trăm năm, cộng đồng nhân dân hai làng vẫn giữ được mối quan hệ gắn bó và đoàn kết, bởi vì cùng một nguồn gốc sinh ra. Làng Mỹ Xuyên Đông có Đình làng, làng Mỹ Xuyên Tây có Nhà thờ tiền hiền làng. Đây cũng chính là nét đặc trưng, quý giá mà ít làng xã nào có được.

Nhà thờ được Ban đại diện 4 xóm cổ, đại diện chư tộc, các vị cao niên, nhân sĩ trí thức cùng bà con trong làng xã luôn có ý thức gìn giữ và bảo tồn tốt. 

Nhà thờ tiền hiền Mỹ Xuyên Tây được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 668/QĐ/UBND/2020, ngày 13/3/2020, xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

 

Thăm dò

Bạn thấy giao diện này thế nào?




Kết quả

Thống kê

Các thành viên : 2
Nội dung : 737
Liên kết web : 105
Số lần xem bài viết : 1185661

Gallery ảnh

Liên hệ

logotruongsaonam

Cô Trương Mỹ Nga
Sào Nam, Duy Xuyên, Quảng Nam

Email: truongmynga.sn@gmail.com

tuyensinh logo-260 homthunhanbaiviet tracuudiemthi

Cấu hình bố cục

Hướng

Phong cách menu

Màu giao diện

TAVICO TOOLS