Giới thiệu về trường
Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 03 Tháng 1 2023 14:04 Viết bởi Administrator Thứ năm, 20 Tháng 9 2012 14:52
GIỚI THIỆU VỀ MÁI TRƯỜNG THPT SÀO NAM - DUY XUYÊN - QUẢNG NAM
Năm học đầu tiên trường chiêu sinh được 06 lớp bán công: 04 lớp Đệ Thất A, B, C, D (lớp 6 ngày nay), 02 lớp Đệ Lục (lớp 7 ngày nay), 01 lớp Đệ Ngũ (lớp 8 ngày nay). Vì là trường mới nên số lượng học sinh trong các lớp không đều nhau; lớp Đệ Ngũ có khoảng 35 học sinh; các lớp Đệ Thất có số lượng cao hơn, có lớp gần đến 55, 60 học sinh. Tổng số 06 lớp có gần 300 học sinh. Năm học đầu tiên trường có 14 thầy cô và 02 nhân viên, thầy Nguyễn Ánh Anh đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng, thầy Trương Duy Hy đảm nhận chức vụ Hiệu phó (trợ lý cho Hiệu trưởng), thầy Ngô Lạng đảm nhận chức vụ Giám thị, lúc bấy giờ trường được mang tên Trường Trung học Sào Nam (theo hình chụp năm 1959, trên sảnh phòng Hiệu trưởng chính giữa có bảng tên trường bằng chữ ximăng). Ngay sau khi khai giảng một tháng phụ huynh tập trung họp và bầu ông Nguyễn Ngọc Đợi làm Hội trưởng Hội PHHS; tại mỗi xã có một đại diện.
Cuối niên khóa 1960 - 1961 trường Sào Nam có một lớp chính thức tham gia thi hết cấp "Trung học Đệ Nhất cấp" tại trường Trung học công lập Trần Qúy Cáp Hội An và đã đỗ với tỉ lệ 80%. Năm 1962 thầy Hồ Xuân Sơn đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng thay thầy Nguyễn Ánh Anh chuyển công tác.
Năm học 1962 - 1963 trường mở các lớp công lập đầu tiên và thầy Nguyễn Phi Bằng đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng, năm học này trường có cả Bán công Sào Nam và Công lập Duy Xuyên cùng học dưới một ngôi trường.
Năm 1965 thầy Võ Văn Mạo đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng Bán công Sào Nam thay thầy Hồ Xuân Sơn chuyển công tác và cũng trong năm này thầy Nguyễn Phúc Mai đảm nhận Hiệu trưởng Trung học Công lập Duy Xuyên thay cho thầy Nguyễn Phi Bằng chuyển công tác.
Mặc dù trường bắt đầu đi vào hoạt động giảng dạy và học tập từ năm học 1959 - 1960 nhưng mãi đến năm 1966 trường mới được công nhận Trường Trung học Đệ Nhất cấp theo Nghị định số 230/ GD/ PC/ NĐ ngày 7/ 2/ 1966.
Đến Tết Mậu Thân (năm 1968) trường bị bom đạn sụp đổ. Lúc này chỉ còn trường Trung học Công lập Duy Xuyên, các học sinh Bán công Sào Nam được cho vào học công lập. Sau đó ít lâu trường chuyển xuống học nhờ tại trường Tiểu học Xuyên Quang, rồi chuyển ra học tại một trường Tiểu học ở thị trấn Vĩnh Điện - Điện Bàn, rồi qua học nhờ ở trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu. Một thời gian sau do chiến tranh ác liệt, thầy trò phải chuyển xuống học ở Hội An. Lúc đầu học nhờ ở trường Trung học Trần Qúy Cáp, cơ sở học tạm ở Hội An của trường Trung học Quế Sơn, cuối cùng thầy trò tạm ổn định được việc học tại đình Cẩm Phô.
Vào năm 1972 trường xây dựng thêm được một chi nhánh có 08 phòng học và Văn phòng ở thị trấn Nam Phước (có địa điểm tại Trung tâm GDHNDN Duy Xuyên hiện nay). Như vậy: vào thời điểm này trường có 03 địa điểm học: trường Quận (trường cũ đã được xây dựng lại), phận hiệu ở Nam Phước và đình Cẩm Phô. Mặc dầu trường đã di chuyển học nhiều nơi, có khi cùng lúc học tại nhiều địa điểm song nhà trường vẫn luôn phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Năm học 1973 – 1974, trường có trên 20 lớp trong đóp có 05 lớp Đệ Thất (lớp 6 ngày nay) và 01 lớp Đệ Nhị (lớp 11 ngày nay) và cũng trong năm học này trường được công nhận là Trường Trung học Đệ Nhị cấp, theo Nghị định số 2596/VHGDTN/KHDC ngày 8/ 11/ 1973.
Đến năm 1974 các lớp tại đình Cẩm Phô không còn học nữa, các lớp học ở 02 điểm còn lại vẫn tiếp duy trì cho đến ngày quê hương giải phóng. Tháng 10 năm 1974 thầy Trần Cao Hoàng đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng thay thầy Nguyễn Phúc Mai chuyển công tác vào Cần Thơ.
Từ năm học 1975-1976, năm học đầu tiên sau ngày giải phóng trường có tên gọi trường Phổ thông cấp II-III Duy Xuyên, thầy Nguyễn Hiền Tâm đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng. Hội đồng Sư phạm gồm 40 CB-GV-CNV (GV cấp II: 20, GV cấp III: 17 và 03 CNV). Sĩ số học sinh là 1408 học sinh, với 26 lớp (cấp II: 07 lớp với 354 học sinh, cấp III: 19 lớp với 1054 học sinh). Năm học này, đời sống của thầy cô giáo và học sinh gặp nhiều khó khăn, một số thầy cô giáo và học sinh phải ở trọ, tự túc việc ăn uống. Công đoàn tổ chức các hoạt động tăng gia sản xuất ngay trong vườn trường để cải thiện đời sống.
Năm học 1977 - 1978, các lớp từ lớp 6 đến lớp 9 được tách ra để thành lập các trường phổ thông cấp II ở các cụm xã. Từ đây trường được mang tên trường phổ thông cấp III Duy Xuyên và thầy Nguyễn Tiến Hành được Ty Giáo dục QN-ĐN bổ nhiệm về trường đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng thay thầy Nguyễn Hiền Tâm chuyển công tác xuống Hội An.
Năm học 1980-1981, Bộ có chủ trương xóa các Ban ở các lớp cấp III, Trường được đổi tên thành là " Trường Phổ thông trung học Duy Xuyên".
Tháng 08/1983 trường tổ chức chia tay một số thầy cô giáo, nhân viên và học sinh của trường thuộc vùng Tây Duy Xuyên lên trường mới "Trường PTTH Lê Hồng Phong". Năm học 1983 - 1984: HĐSP gồm 58 CB- GV-CNV (08 CNV), sĩ số học sinh là 1060 học sinh với 21 lớp.
Ngày 30 tháng 8 năm 1993, Trường được UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định chính thức lấy lại tên "Trường PTTH Sào Nam"
Vào cuối tháng 8 năm 1999 lần thứ hai trường tiếp tục chia tay 11 thầy cô giáo và 20 lớp với gần 950 học sinh thuộc hệ Bán công của Trường lên trường mới "Trường THPT BC Nguyễn Hiền". Lúc này trường chỉ còn 27 lớp hệ Công lập với 1333 học sinh.
Năm học 1999-2000 thực hiện Luật Giáo dục trường PTTH Sào Nam được đổi tên thành trường THPT Sào Nam.
Từ năm 1975 đến nay trường đã trải qua 5 lần đổi tên, và 06 thầy Hiệu trưởng: Thầy Nguyễn Hiền Tâm (1975 - 1977), thầy Nguyễn Tiến Hành (1977 - 1979), thầy Lê Xuân Phúc (1979 - 1981), thầy Huỳnh Ngọc Minh (1981 - 1990), thầy Đoàn Ngọc Ân (1990 - 1997) , thầy Phạm Sỹ (1998 -2016) Thầy Dương Hữu Thu ( 2016-2021), cô Nguyễn Thị Thúy Vân ( từ tháng 7/2022 đến nay)
45 năm qua kể từ ngày thành lập, trường THPT Sào Nam trải qua không ít thăng trầm, nhiều lần đổi tên, học tại nhiều địa điểm; có những lúc việc học tạm gián đoạn tưởng chừng như trường không còn tồn tại nữa, nhưng đến nay hai tiếng: Duy Xuyên - Sào Nam vẫn hòa quyện làm một trong một ngôi trường có bề dày 45 năm lịch sử. Chính từ mái trường này lớp lớp thầy trò đã ra đi, đem tài năng và tâm huyết của mình để phụng sự cho đất nước, cho dân tộc và nhân loại.
Trường THPT Sào Nam hiện nay, nằm trên địa bàn thị trấn Nam Phước, trung tâm huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thị xã Tam Kỳ hơn 35km về phía Bắc. Năm học 2004 - 2005, trường có 92 CB-GV-CNV trong đó có 81 giáo viên và có 45 lớp với hơn 2.300 học sinh. Dù trường đóng ở địa bàn nông thôn, nhưng với tinh thần làm việc khoa học, trách nhiệm cao, đoàn kết phối hợp chặt chẽ trong mọi hoạt động, nhà trường đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản đề ra. Thực tế trong thời gian qua, trường đã không ngừng phát triển về qui mô, chất lượng, hiệu quả nhằm thực hiện mục tiêu "Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài"; không ngừng ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nghị quyết Trung ương 2 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII và kết luận Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX.