CHUYẾN TÀU CUỐI NĂM- NGUYỄN THÀNH LÊ

Chuyến tàu cuối năm


Tháng 1 Năm 1991, tôi đang học năm thứ 2 Khoa Hóa, Đại Học Bách Khoa TP. HCM, Nguyễn Thanh Khiết học năm nhất Đại Học Y TP.HCM, Văn Kông Quang và Nguyễn Đức Phong học năm nhất khoa du lịch ĐH Kinh Tế TP.HCM và anh Nguyễn Hữu Toàn học năm nhất khoa Hoá Đại Học Bách Khoa TP. HCM ( em thầy Nguyễn Hữu Sinh, Giáo Viên Toán trường THPT Sào Nam và cũng là anh ruột Nguyễn Hữu Phòng - bạn chung lớp 12i, hiện là GV dạy môn Toán tại Q12, TP.HCM ) cùng ở trọ chung tại căn nhà 98/10 Nguyễn Bá Tòng, cách ngã tư bảy hiền vài trăm mét, là nhà của cô họ tôi, cho tôi trọ ăn học không lấy tiền. Tôi rủ thêm mấy bạn về ở trọ chung cho vui.


Ăn uống hàng ngày thì anh em góp tiền chung đi chợ Bà Hoa gần đó về phân chia nhau nấu ăn. Ngày gần cuối năm âm 1990, thi học kỳ 1 xong, năm anh em ngồi lại bàn chuyện về quê: anh Toàn vừa mới có người yêu nên ở lại còn bốn đứa móc hết túi ra mua không đủ một cái vé tàu SG - ĐN, nên đành tổ chức một bữa chia tay tối hôm đó rồi sáng sớm mai ra ga Hoà Hưng nhảy tàu về quê.

 
Đêm chia tay có được đĩa lòng xào nghệ mua ngoài chợ, ít khô mực đạm bạc và rượu gạo. Đêm đó tôi có rủ bạn tôi: Trần Thanh Vũ, Huỳnh Quang Linh; Có thêm Soại là bạn của Phong, Quang và mấy đứa bạn trong xóm. Thằng Vũ, Linh ra thuê ở tiệm video về cuốn phim X ( điệp viên 00B ). Nhậu xong say mềm cả bọn đàn hát đến khuya rồi xem phim đến gần sáng, nửa tỉnh nửa mê đèo nhau bằng xe đạp ra ga Hoà Hưng mua vé tiễn lên tàu. Lên tàu rồi là được đến quê rồi đó, vui chi lạ. Nhưng không đơn giản thế đâu, hơn một ngày một đêm trên tàu là những màn luồn lách nhân viên soát vé: chui vô toilét ngồi thưởng thức mấy cái mùi hôi rình, hay ngồi ngay khúc nối hai toa, nghe tiếng rít răng rắt, tiếng xình xịch đều đều của đoàn tàu nếu lở ngủ quên thì rớt xuống đường ray lúc nào không biết. Trên tàu người ta ngồi chật cứng không có chỗ nhúc nhích, ngồi tràn ra cả lối đi. Người có vé thì ngồi trên ghế, người không vé thì ngồi dưới sàn và phải đưa tiền cho nhân viên soát vé kiếm thêm, nói chung giá cả có hết. Còn tụi tôi là cái thứ vừa không có vé vừa không có tiền, bị nhân viên soát vé đi lùng suốt buổi sáng. Thằng Quang ai xui khiến làm quen một em gái nhỏ hơn hai tuổi, dễ thương khép nép nhường cái chỗ ngồi đỡ bên cạnh. Thằng Khiết cũng lanh chui vô ngồi gần chỗ mấy anh bộ đội coi bộ cũng an toàn lắm. Chỉ có tôi và thằng Phong to con hơn xíu hết chui chỗ này đến nhủi chỗ khác, rúc toilét , ra chỗ nối toa hút thuốc. Thằng Quang thấy tôi và Phong khổ quá bằng kêu lại đưa ít tiền còn dư chỉ lên căn tin. Hai thằng lên căn tin không dám kêu gì ngoài hai tô mì gói nước sôi. Nhân viên nhìn nhìn bọn tôi coi bộ hai thằng này cũng không ‘ linh ‘: “ ăn dộng rồi đi để còn chỗ cho người khác mấy ông thần”. không thể cò cưa lâu hơn nữa hai thằng đi về toa của mình , không phải, toa có hai thằng bạn đang ngồi, ôi sao giờ phút này mà có ai nhận được người quen thì hay biết mấy, ít ra cũng mượn được nửa cái vé chung chi cho nó để được an thân. Chưa đến được toa mong đợi thì ở đâu lù lù xuất hiện một tay nhân viên soát vé mặc đồng phục màu xám, tướng cao to, bụng béo đeo cái tráp da trước ngực. Nó lườm bọn tôi rồi hỏi :’ vé đâu?’. Tôi và Phong đứng im không nói, một hồi lâu tôi nói như hướng về phía toa: ‘bạn tôi giữ vé’. Nó nói : ‘đừng có xạo !’ rồi thu tay đấm tôi một cái trời giáng vào bụng, tôi lão đão người và ngã xoài lên mấy người ngồi dưới sàn. Họ đỡ tôi dạy và nói: thôi em đi tìm chỗ nào trống trống mà ngồi. Tôi cũng sừng lên định chơi lại nhưng thằng Phong kịp ngăn lại, cầm tay tôi dắt đi. Đến cuối toa thì gặp một chị nữ nhân viên đang trực tại toa này, dường như cũng nắm được sự việc, chị chỉ cho tôi và Phong đứng gần ngay lối lên xuống tàu, nơi đây cũng khá đông người chờ xuống ga Mường mán, lúc này khoảng 4h chiều. Sau khi lãnh cú đấm, tụi tôi bổng trở nên có số má trên tàu, mấy đứa đổi nước và hàng rong nhìn chúng tôi cũng có vẽ thiện cảm hơn, ít ra là cũng ở về phe chúng nó. Thế rồi bọn nó xin mấy người sắp xuống ga Mường mán cho tôi và Phong hai tấm vé và nói là khi bị hỏi thì đưa vé ra và nói là ngủ quên xuống nhầm ga và không quên dặn rằng: họ sắp đổi ca và chuẩn bị đi soát vé lại đó. Lúc đó tôi cảm thấy đau ở bụng và chợt nghĩ đến chuyện trả thù thằng soát vé béo. Lúc đó Quang và Khiết cũng biết sắp có soát vé nên ra toilét gặp chúng tôi cùng bàn kế hoạch đối phó tiếp. Tôi nói: ‘nếu ga dừng tại một ga nào đó thuận lợi, tau sẽ đấm lại thằng này một cái và nhảy xuống ga đi về sau, bọn bay về trước’ nhưng Khiết ngăn lại và nói : ‘không được, về Trà Kiệu tau tính’. Đúng! nhà Khiết cách ga Trà Kiệu vài chục mét, là dân xóm ga nó rất rành chuyện này, tôi đồng ý nghe theo. Đúng lúc đó thì có hai nhóm soát vé từ hai phía đầu của mỗi toa kiểm lại. Chúng tôi thấy rất lo. Đây là thời điểm quyết định, nếu chúng tôi không đủ thông minh để vượt qua thì cả bọn sẽ bị đuổi hết xuống ga Mường mán. Thằng Quang bắt đầu làm quen với một cậu bé đổi nước và nói: em cho anh mượn bộ đồ nghề này đi, còn nước nếu bán hết được bao nhiêu tiền thì anh gởi lại cho. Vì có cảm tình với chúng tôi nên nó đồng ý liền. Thằng Quang vội tháo áo bỏ quần ra rồi cột ngang trước bụng, xăn gấp hai cái ống quần bên thấp bên cao rồi lấy cái mủ lưởi trai màu đen của thằng bé đội lên, tụi tôi nhìn xong phá lên cười. Thằng Khiết thấy vậy cũng làm y hệt vậy và mượn cái rổ đựng chả, loại tép nhỏ gói bằng lá chuối, hỏi giá cả thằng bé rồi nói sẽ gửi lại đủ cho em. Thằng khiết sống gần ga Trà Kiệu có lần kể với tôi đã từng bán hàng rong trên chuyến Đà Nẵng -Qui Nhơn nên giờ nó nhập vai nhanh thật. Tôi nhìn hai đứa giống y dân chuyên nghiệp vậy. Thằng Quang cầm cái ấm nước và mấy cái ly nhựa đi về hướng phía căn tin, vừa đi vừa nói: ‘ai... nước chè nóng không?’. Nó đi đến giữa toa và đổi được mấy ly nước là vượt qua hai nhân viên soát vé, rồi vô toilét giấu cái ấm rồi sửa lại đồng phục vào căn-tin ăn mì gói. Thằng nhỏ bán chả nhanh trí chia đôi đùm chả rồi đi bán phía trước , thằng Khiết lúng túng theo sau, bán đắc như tôm tươi, và đi theo hướng ngược lại. Còn tôi và Phong được bọn nhỏ kêu cứ đứng chung với khách sắp xuống ga Mường mán, xong rồi dùng cái vé bọn nó cho lúc nãy lên lại toa khác. Đôi khi những bài học cuộc đời không được học trên giảng đường mà được bọn nhỏ dạy cho quý thật. Tàu dừng ở ga Mường mán, tôi lấy ít tiền còn trong túi kêu thằng Khiết: “ nhóc, lấy anh mấy cây chả !“ rồi kéo thằng Phong bước xuống tàu. Hành khách bắt đầu ăn tối, đa phần là khách đem theo thức ăn có sẳn, còn số ít xuống ăn tối hoặc ăn hàng rong. Tôi và Phong ăn đỡ mấy cái chả rồi mồi hút chung một điếu thuốc , đứng nhìn sân ga chộn rộn cảnh mua bán. Tôi thấy có nhiều người bán gà luộc đi qua đi lại bên các cửa sổ tàu để tìm khách bán, khách có nhiều người hỏi, trả giá mà bọn kia chê rẻ không chịu bán. Tàu dừng 15’ rồi khởi động chạy tiếp, chúng tôi cũng kịp phót lên tàu. Nhìn qua cửa sổ tàu, tôi thấy bọn kia chịu bán gà luộc với giá khách đã trả trước đó. Khách cầm tiền đưa qua cửa sổ, bọn bán gà cầm gà vừa chạy theo vừa đưa lên cho khách cầm cái đầu, khi lấy tiền được rồi thì nó chạy chậm lại, thì bổng dưng cái đầu gà đứt rời khỏi cổ, cái mình ở lại. Tôi và Phong ôm bụng cười. Tôi cười không vì sự đời dối trá mà cười vì lần đầu tiên thấy cái cám cảnh trong đời, một chàng trai mới lớn, một sự dối trá tràn lan ghê gớm. Tôi nhìn lại mình, một thằng sinh viên đã bắt đầu học dối trá: “nhảy tàu” có xứng đáng không ? Như những em bé bán gà kia? Thật ra tôi có thể tiết kiệm thêm để mua một cái vé xe nhưng tôi đã không làm được.


Tàu rời ga Mường mán là bọn tôi cảm thấy yên tâm, cái yên tâm không phải vì không bị soát vé tiếp mà vì chúng tôi ngày càng gần đến quê nhà hơn, vì cái màn đêm sắp buông xuống dọc theo các quả đồi sẽ che đi những gương mặt ưu tú dối trá, có khi kéo dài thêm cho nhiều thế hệ. Từ ga Mường mán khách xuống thì ít mà khách lên thì càng nhiều: một số bạn sinh viên bị tống xuống ở các chuyến tàu trước cũng tìm cách lên lại, rồi bọn móc túi, cướp giật cũng thừa đục chen vào kiếm sống. Hai đứa tôi vẫn chen đứng ngay lối lên xuống tàu, thỉnh thoảng Phong nhường cho tôi có chỗ ngồi bệt xuống sàn tàu cho đỡ mỏi. Tôi đói lã vì tối qua đến giờ mới chỉ ăn tô mì gói nước sôi, rồi ngồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. 


Trong giấc ngủ chập chờn tôi mơ về những ngày vui sắp đến, như thể tôi không bao giờ muốn xa rời quê hương một lần nữa, tôi nghĩ sẽ tự đánh mất mình. Càng về khuya trời càng lạnh, gió cũng nhiều hơn, luồn qua các khe hở nghe như các tiếng hú. Qua màn đêm mờ mờ tôi nhìn ra biển: ‘ biển đẹp và mênh mông quá’. Sóng vẫn đều đều vỗ vào các ghềnh đá nơi chân núi, xa xa ngoài khơi lác đác có vài ánh đèn của những con tàu nhỏ đang đánh bắt ban đêm. Tôi yêu đất nước tôi đến nhường nào?

 
Phong đánh thức tôi dậy khi tàu sắp vào ga Nha Trang, để nhường lối cho khách lên và xuống tàu. Chúng tôi chia tay mấy em bán hàng rong một cách bịn rịn như những người bạn chân thành nhất, đã giúp chúng tôi hiểu thêm về cuộc sống quá khó khăn, nghiệt ngã này. Bọn nó không quên dúi vào tay chúng tôi những cái chả còn lại, tôi lặng im và quay về hướng khác.
Tàu rời ga Nha Trang, bỏ lại phố biển nghèo xơ xác: nhiều nhà hai bên đường tàu đi qua vẫn còn thắp đèn dầu, nhiều nhà đã tắt đèn đi ngủ sớm. Tôi thầm nghĩ không biết sau này tôi có được đi về quê nữa hay không? Nhớ lại những cảnh đi xe đò từ quê vào Sài Gòn mà ám ảnh đến tận bây giờ: có ghế ngồi đàng hoàng trên xe chưa ngồi nóng cái ghế là nước heo từ trên nóc bắt đầu chảy xuống, có khi tắm cả lên đầu, muôn mùi khó chịu. Càng về khuya trời càng lạnh hơn, mọi người xung quanh đã bắt đầu co lại, áo len áo gió; còn chúng tôi chỉ có áo sơmi . Gần về sáng sương trở nên dày đặc hơn, không thể nhìn thấy các ngôi nhà hai bên đường tàu được nữa, nôn nao quá cũng không thể ngủ được. Nhìn lại chặng đường đã đi qua đến hôm nay mình cũng chẳng là gì cả, là gánh nặng cho ba mẹ làm lụng đầu tắt mặt tối nơi quê nhà lo cho cả bầy con. Tương lai ư? Không thể nói trước được. Ban đêm tàu chạy nhanh hơn và ít dừng hơn, hành khách đã bắt đầu xuống nhiều hơn, các nhân viên soát vé kiếm thêm cũng bắt đầu đi bán vé cho khách nằm ngủ ở phòng nghỉ của mình để kiếm thêm thu nhập. Thời buổi này ai đều cũng phải làm thêm bằng cách này hay cách khác để kiếm sống. Đa số người đều nghĩ vậy, xã hội sẽ đi về đâu? Đã có một vài vụ lộn xộn cướp giật nhỏ diễn ra ở trên tàu mà hành khách càng đề phòng hơn, họ nhìn chúng tôi cẩn thận hơn vì chính chúng tôi nhìn thấy mình cũng không có gì khác bọn cướp giật trên tàu. Tôi mong cho tàu mau đến ga Trà Kiệu, mong cho tàu khi ngang qua đây chạy chậm lại để cả bọn chúng tôi có thể nhảy xuống an toàn. Trong bốn đứa, tôi là thằng cũng có chút ít kinh nghiệm nhảy tàu hơn, lại là học sinh giỏi môn Vật Lý nữa nên tôi nắm vững các định luật quán tính của Newton, chắc chắn tôi nhảy ngon hơn. Tôi lo cho ba thằng bạn, không biết có trầy trụa đỗ máu gì không đây?!

Những tia nắng ban mai bắt đầu trải qua các cánh đồng, sương cũng bắt đầu tan trên các ngọn cây đọng lại những hạt nước long lanh. Một vài ngọn cây va vào mui tàu văng vài giọt nước lên mặt làm càng thích thú, quê hương là vậy, cảm giác đã gần hơn lúc nào hết. Xa xa là những cánh đồng đã thấy những người nông dân vác cuốc ra đồng, những em bé thả bò đi ăn, những mẹ những chị đi chợ tôi càng thấy nôn nao.


Thông thường thì tàu đang chạy nhanh thì hiếm có ai dám nhảy vì rất nguy hiểm, tuy vậy khi qua các ga nhỏ các lái tàu vì lý do này hay lý do khác cũng cho tàu chạy chậm hơn, đó là điều mà 4 chúng tôi mong muốn. Chúng tôi đã đứng vào vị trí sẵn sàng, tôi sẽ nhảy trước sau đó đến Khiết, rồi Phong và Quang nhảy sau cùng. Tàu vừa vào ga Trà Kiệu và giảm tốc độ thấy rỏ, tôi phóng ra trước tiên và chạy thật nhanh theo đoàn tàu rồi chạy chậm dần và dừng lại:ok. Khiết cũng vậy: ok luôn, thằng Phong hơi mập bị té nhẹ lăng ba vòng hơi trầy trụa xíu, còn Quang thì thôi, té quá nặng lại lăng cù mấy vòng đến nỗi các thứ bỏ trong túi áo văng mất hết, phải quay ra tìm. Cả bọn tìm đủ các thứ duy thiếu một thứ mà Quang cũng không nói là thứ gì: ’thôi vậy là may mắn lắm rồi’. Cả bọn vào nhà Khiết cách đó vài chục mét, được mẹ Khiết đãi cho mấy cặp bánh đập vừa làm xong , ôi cái đói, lót dạ không gì ngon bằng. Lúc này là hơn 10h sáng. Tôi quên cả việc trả thù thằng soát vé béo, thôi ở đời mà quên đi!


Tôi không còn nhớ đã đi về đến nhà bằng phương tiện gì nhưng nhớ là có ghé vô nhà thầy Anh của tôi ở Gò Dỗi để thăm và lục ít cơm nguội. Chúng tôi hạnh phúc vô cùng!

 

Hai năm sau, Tôi may mắn nhận được một lần hai học bổng của công ty Sài Gòn Petro: một học bổng hoàn cảnh khó khăn và một học bổng về kết quả học tập. Hôm phát học bổng có chị Trần Thị Ngọc Điệp và chú Hải là đại diện của công ty Sài Gòn Petro trao tặng và sau này tôi đã về đây công tác hơn 12 năm. Hôm phát học bổng có phóng viên Đài tiếng nói TP có hỏi tôi rằng: “ bạn sẽ làm gì với hai phần học bổng này?’. Tôi trả lời: ‘Năm nay em sẽ không nhảy tàu về quê nữa’. Cả phòng cười ồ lên.


27-1-2019- NGUYỄN THÀNH LÊ


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: